Làm thế nào để biết trẻ đã no khi ăn dặm?

Một bữa ăn được tính từ khi trẻ bắt đầu ăn cho đến khi trẻ cảm thấy no.

Cảm giác no sau mỗi bữa ăn, trong mỗi ngày và ở mỗi trẻ là rất khác nhau. Đong một lượng thức ăn cố định hoặc áp đặt khoảng thời gian cho một bữa ăn làm “thước đo” để tính toán cảm giác no của trẻ là không đáng tin cậy. Chỉ có trẻ mới biết như thế nào là đã no và khi nào thì nên dừng lại. Cha mẹ và người cho ăn cần hiểu rõ về điều này. Có một số biểu hiện gợi ý trẻ đã no dưới đây:

–  Trẻ mím môi, ngậm chặt miệng và quay đầu đi chỗ khác khi bạn đưa thìa thức ăn đến miệng trẻ. Dấu hiệu này cũng có thể do quá nhiều bột trong miệng, trẻ chưa nuốt hết.

– Trẻ kêu khóc, gắt gỏng.

– Trẻ nghiêng người tránh xa hoặc quay lưng về phía có thìa hoặc thức ăn như muốn lảng tránh thức ăn. Trẻ vung vẩy tay như muốn cố gạt chiếc thìa ra.

Nếu thấy các tín hiệu trên, bạn nên dừng lại, kiểm tra xem trẻ có vấn đề gì khác không (bỉm đầy, ngứa ngáy, sốt…), hoặc chờ thêm một vài phút và thử cho trẻ ăn lại. Nếu trẻ vẫn tiếp tục có các tín hiệu như vậy thì bạn nên kết thúc bữa ăn trong vui vẻ.

Không nên ép trẻ ăn hết đĩa bột khi trẻ không đói. Vì điều này sẽ làm cho trẻ học cách ăn khi có thức ăn chứ không phải là ăn khi đói. Vả lại khi bị ép ăn thêm, trẻ sẽ có phản ứng tiêu cực với bữa ăn như: khóc lóc, cáu gắt, nôn trớ,…. Chính những phản ứng ấy sẽ để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp gì trong tâm trí bạn (người cho ăn) và trẻ cho tới bữa ăn tiếp theo: “Ôi! Ăn dặm thật là đáng chán và áp lực biết bao!”. Đây là khởi nguồn của mọi vấn đề “chán ăn”, “khó ăn”, “khảnh ăn”…mà nhiều người gán ghép cho trẻ.

image001

Nhiệm vụ của người cho ăn chính là dạy cho trẻ học cách cảm nhận cảm giác no của chính bản thân trẻ: No bụng có nghĩa là dừng lại, không ăn thêm nữa.  

 

Hà Lê